1. Tại sao gọi là...Bia?
Định danh BIA của người Việt được lấy theo phiên âm của tiếng Pháp “Bière”, vì vậy có thể coi bia là từ mượn của tiếng Việt trong từ điển giống như các từ đã trở nên thông dụng khác như: bê tông (béton), áo sơ mi (chemise), bánh Ga tô (gâteau) ... Điều thú vị là người Việt đã Việt hóa bia một cách tài tình và dân gian hóa, khiến cho từ mượn đó đi vào cuộc sống hàng ngày như một từ thuộc về chúng ta, chẳng thế mà chỉ có ở Việt Nam mới có các loại bia như: bia cỏ, bia rau, bia hơi ... thậm chí là ...bia ôm.
2. Nguồn gốc của Bia
Bia hiện đại là thức uống được biết đến nhiều ở các nước Tây Âu như: Pháp, Đức, Bỉ ... nhưng nguồn gốc của Bia lại được ghi nhận khoảng 6000 năm trước Công nguyên tại vùng Lưỡng Hà - Mesopotamia (bao gồm lãnh thổ Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và tây nam Iran hiện tại). Các nhà khảo cố đã có những thử nghiệm hóa học trên những bình gốm cổ được tìm thấy ở vùng đất nay thuộc Iran và khẳng định rằng đây là quá trình làm Bia bằng cách lên men tự nhiên các loại ngũ cốc trong không khí. Điều này cũng đồng thời khẳng định rằng, quá trình lên men bia là thực nghiệm sinh học đầu tiên mà con người thực hiện.
Bia chỉ được ghi nhận xuất hiện ở Châu Âu vào thời kỳ đồ đá, khoảng 3000 năm trước Công nguyên.
3. Vị thần bảo trợ cho Bia
Bia được coi là sản phẩm của phái mạnh, nhưng điều thú vị là vị thần bảo trợ cho bia lại là Nữ thần Ninkasi của vùng Lưỡng Hà.
4. Người Châu Âu bán Bia ở đâu?
Trước cách mạng công nghiệp, Bia được sản xuất thủ công, trong các hộ gia đình, nhưng ít ai biết rằng một trong những nơi bán bia đầu tiên ở Châu Âu lại từ các ... Tu viện và tất nhiên những người nấu bia thường là các tu sĩ. Weihenstephan (xứ Bavaria – nay thuộc Đức) – là tên của xưởng nấu bia thương mại cổ nhất đến nay vẫn còn hoạt động, và nó là một xưởng nấu bia của một Tu viện.
5. Bia xuất hiện ở Châu Á khi nào?
Mặc dù các dấu tích khảo cổ cho thấy Bia có nguồn gốc từ Châu Á (Vùng Lưỡng Hà và Trung Quốc cổ đại) nhưng mãi đến năm 1855 nhà máy Bia đầu tiên của Châu Á mới được thành lập. Nhà máy này do Edward Dyer (người Anh) làm chủ, lấy tên là Dyer Breweries, đặt tại Kasauli một địa điểm trên dãy núi Himalaya, nay thuộc Ấn Độ. Cho đến nay, công ty này vẫn đang hoạt động tuy đã đổi tên thành Mohan Meakin với đa ngành nghề, thương hiệu bia nổi tiếng của họ là Lion Beer.
6. Trước Hoa Bia, người ta nấu Bia bằng gì?
Hoa bia (Houblon) là thành phần không thể thiếu trong việc sản xuất bia ngày nay, nhưng việc bổ sung hoa bia để tạo vị đắng cho bia lại là một phát kiến tương đối mới. Trước khi có hoa bia, thời Trung cổ người ta sử dụng hỗn hợp các loại thảo dược thông thường (gruit) vào quá trình nấu bia. Hoa bia được trồng tại Pháp vào khoảng thế kỷ thứ 9. Văn bản cổ nhất ghi nhận sự xuất hiện của hoa bia trong bia có niên đại vào năm 1067, thật thú vị khi văn bản này do nữ tu viện trưởng kiêm nhà văn Hildegard ghi chép lại, hẳn đây là một phụ nữ yêu thích bia.
7. Bia cũng có hẳn một bộ Luật sản xuất
Bộ luật này được đưa ra từ năm ...1515. Reinheitsgebot (luật sản xuất bia tinh khiết), do William IV, Công tước xứ Bavaria (Đức) đưa ra được coi là bộ luật quy định về sản xuất thực phẩm lâu đời nhất vẫn còn được dùng cho đến thế kỷ 20. (Reinheitsgebot đã được luật pháp Đức thông qua chính thức vào năm 1987).
8. Bia và Louis Pasteur
Louis Pasteur nhà hóa học, vi sinh học nổi tiếng người Pháp, người có công lao được ghi nhận về Y học trên toàn Thế giới, là người có vai trò rất lớn trong nền công nghiệp sản xuất bia hiện đại. Năm 1857, Pasteur đã phát minh ra vai trò của men bia trong quá trình lên men, phát minh này đã giúp cho các nhà sản xuất bia phương pháp ngăn chặn vị chua của bia bởi các loại vi sinh vật không mong muốn.
9. Vậy ở Việt Nam thì sao?
Bia hiện đại cũng có mặt ở Việt Nam trong khoảng thời gian này cùng với sự xâm chiếm thuộc địa của Thực dân Pháp. Năm 1875, Victor Larue đã thành lập một xưởng sản xuất bia ở Sài Gòn, tiền thân của công ty BGI sau này, tuy nhiên bia có lẽ đã theo chân những người lính thực dân Pháp vào lãnh thổ Việt Nam từ nhiều năm trước. Victor Larue, cha đẻ của hãng BGI xuất thân từ một anh kỹ sư công nghiệp, kiêm sĩ quan hàng hải (đã giải ngũ trước đó), vì vậy xưởng sản xuất bia này đã tiệm cận với công nghệ sản xuất bia ngày nay. Tuy nhiên, ý tưởng kinh doanh ban đầu của Larue hướng đến là sản xuất nước đá để tiêu thụ tại xứ sở nhiệt đới như Sài Gòn. BGI là viết tắt của Brasseries (hãng nấu bia) Glacières (hãng nước đá) d’Indochine (Đông Dương) tức là Hãng bia và nước đá Đông Dương, sau này d’Indochine đổi thành Internationales (quốc tế).
10. Bia và toàn cầu hóa
Anheuser-Busch InBev (AB InBev), có trụ sở chính ở Bỉ và sở hữu hơn 200 thương hiệu bia nổi tiếng thế giới như: Budweiser, Corona, Beck, Leffe... Hãng bia này vốn được sáng lập bởi Eberhard Anheuser, một người kinh doanh xà phòng ở Đức, sau này con gái của Anheuser kết hôn Adolphus Busch vào năm 1861, nên cái tên viết tắt Anheuser-Busch cũng ra đời từ đó. Tuy nhiên, Adolphus Busch lại lập nghiệp và thành công tại Mỹ, ông là nhà sản xuất bia đầu tiên của Mỹ sử dụng công nghệ thanh trùng vào sản xuất bia và sử dụng đường sắt để mở rộng khả năng phân phối các sản phẩm của hãng. Năm 2008, InBev (liên doanh giữa Interbrew Bỉ và Ambev Brazil) đã mua Anheuser-Busch với giá gần 52 tỷ USD, chính thức đưa Anheuser-Busch InBev trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới. Cuối năm 2015, AB InBev chào mua SAB Miller, hãng bia lớn thứ 2 Thế giới để sáp nhập thành một đại công ty bia chiếm tới 1/3 tổng sản lượng bia toàn Thế giới, thương vụ này khoảng 107 tỷ USD, tuy nhiên đến nay thương vụ này chưa hoàn tất do vấp phải một số vấn đề pháp lý về kinh doanh độc quyền. Đến đây, ta mới thấy sự thú vị trong nền công nghiệp Bia hiện nay, một công ty bia của Bỉ, được sáng lập tại Đức, gây dựng tên tuổi ở Mỹ, hiện được chi phối bởi các nhà đầu tư đến từ Brazil và họ muốn mua lại SAB Miller vì chưa đặt được hệ thống phân phối bia tại Châu Phi.
Hãng bia lớn nhất Châu Á hiện nay thuộc về China Resource Snow Breweries Ltd (thường được gọi đơn giản là CR Snow). Hãng này chỉ đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng thế giới sau SAB Miller của Anh, Heineken International của Hà Lan và Carlsberg Group của Đan Mạch. Điều thú vị là để leo lên vị trí thứ 5 này, CR Snow có đến 49% vốn góp của SAB Miller, hãng bia thứ 2 thế giới và nếu thương vụ sáp nhập giữa AB InBev và SAB Miller kể trên thành công thì liên minh này buộc phải bán đi số cổ phần tại CR Snow để tránh những vấn đề pháp lý về độc quyền thương mại.
Dông dài như vậy để chúng ta thấy rằng Toàn cầu hóa đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngành sản xuất và phối bia đã tồn tại đến gần 8000 năm qua, từ sản xuất thủ công qua thời kỳ Cách mạng công nghiệp ở Châu Âu rồi đến Toàn cầu hóa. Vì vậy, một ngày nào đó, những 333, Saigon Larger, Saigon Special của SABECO gia nhập một liên minh toàn cầu giống như những Budweiser, Corona, Peroni, Tiger... cũng là phù hợp với quy luật phát triển.